Tiếp tục ứng phó với bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Chiều nay (15/6), Quốc hội đã kết thúc 2 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 82 đại biểu Quốc hội phát biểu và 16 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019, các đại biểu đều đánh giá năm 2019 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng là năm thành công khá toàn diện trên mọi lĩnh vực mục tiêu đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế và phân tích sâu sắc thêm, đồng thời mong muốn Chính phủ có những giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới như vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chất lượng, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án đầu tư công còn chậm. Một số vấn đề về xã hội, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, an ninh trật tự cần được tăng cường hơn nữa. Các đại biểu đề nghị phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.

tiep tuc ung pho voi bat on tu ben ngoai giu vung on dinh kinh te vi mo

Về kết quả thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2020, ngay từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới và vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng kinh tế, tài chính giai đoạn 2008-2009, thậm chí còn nặng nề hơn cuộc đại suy thoái năm 1929, năm 1930.

Sáu tháng qua, cả nước đã căng mình ra chống dịch, đồng thời do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động ảnh hưởng nghiêm trọng do gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại dẫn đến đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã tác động trực tiếp đến các ngành như xuất khẩu, nhập khẩu hàng không, bất động sản, du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, lao động, việc làm. Nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô và GDP quý I năm 2020 chỉ đạt là 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây, ảnh hưởng mạnh đến đời sống nhân dân.

Mặc dù khó khăn, thử thách diễn ra rất lớn, phức tạp, rất nhanh và chưa từng thấy, song đất nước ta mới bước đầu vượt qua những khó khăn, thách thức đó một cách vững vàng, kiên cường và hiệu quả.

Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao công tác phòng, chống đại dịch, giữ ổn định kinh tế - xã hội như thời gian vừa qua. Kết quả đạt được là do sự đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân trước lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo kịp thời, chủ động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội.

Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp, nhiều sự hy sinh thầm lặng, vượt khó của đội ngũ cán bộ y tế, quân đội, công an, nhà báo, các tập thể, cá nhân, nhất là trên tuyến đầu chống dịch được trân trọng và vinh danh. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tỷ lệ người mắc trên quy mô dân số rất thấp, chưa có trường hợp tử vong do dịch bệnh.

Các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2020 của Chính phủ và cho rằng năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời nhanh chóng khởi động, phục hồi lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với phương hướng và các giải pháp điều hành của Chính phủ trong những tháng cuối năm 2020 và cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định khó lường. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với bất ổn từ bên ngoài. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội về sinh kế, về việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo và người yếu thế.

Tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, tận dụng thời cơ có các giải pháp phù hợp với tình hình và xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội

Nhiều đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị đưa các nội dung vào Nghị quyết chung của kỳ họp. Một là, chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo các Nghị quyết của Quốc hội. Nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Hai là Chính phủ cần chủ động điều hành trên nguyên tắc của Luật Ngân sách nhà nước, giảm thu đồng thời với giảm chi tương ứng. Trước hết phải tăng cường tiết kiệm chi, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Đối với các khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn tiền sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác. Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các nguồn mà còn khó khăn đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Ba là cho phép kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021 và lùi thời gian ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách Nhà nước để áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách mới. Bốn là chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi cho người có công từ 1/7/2020 nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị là nên điều chỉnh lương hưu, trợ cấp cho người có công.

Về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 do Chính phủ trình đã bảo đảm các yêu cầu, điều kiện để Quốc hội phê chuẩn. Các đại biểu đều đánh giá cao và thống nhất với kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước, cũng như nhiều vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Các đại biểu cho rằng mặc dù quản lý ngân sách nhà nước năm 2018 đã có nhiều tiến bộ, song cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai. Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn những tồn tại, yếu kém.

Việc chấp hành kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, một số khoản chi quan trọng tiếp tục không đạt dự toán. Tình trạng chi sai định mức tiêu chuẩn, chế độ vẫn xảy ra. Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, nợ đọng, giải ngân chậm, ứng trước chuyển nguồn lớn và hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế. Các đại biểu yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường quản lý tài sản công và tài chính công.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

 

0911 29 69 79

CHAT VỚI CHÚNG TÔI