Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ định hướng trong hội nghị VNREA

TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trình bày về thông tin bối cảnh, chính sách kinh tế vĩ mô và định hướng cho thời gian tới.

Chiều 8/4/2023 tại Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng (Dragon Ocean), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên 2023.

Thảo luận và đề xuất tại hội nghị, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trình bày về thông tin bối cảnh, chính sách kinh tế vĩ mô và định hướng cho thời gian tới.

TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ .

ĐẤT VÀNG GROUP xin đăng nguyên nội dung tham luận của TS. Nguyễn Đức Kiên:

"Kính thưa TS. Nguyễn Văn Khôi, các chuyên gia, các anh chị em doanh nhân cùng toàn thể khách mời có mặt tại Hội nghị ngày hôm nay.

Sau đây, tôi xin có những báo cáo, bổ sung và đây có thể coi làm một kênh thông tin tham khảo giúp cộng đồng doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản yên tâm hơn trên hành trình phát triển doanh nghiệp của mình.

Trước hết, về vấn đề kinh tế vĩ mô và kinh tế quốc tế. Có thể thấy từ sau năm 2022 và quý I/2023, nền kinh tế phục hồi chậm, lạm phát giảm nhưng vẫn chưa thể trở về bình thường mà vẫn cao gấp 2 so với các ngân hàng trung ương mong muốn. Xu hướng thắt chặt tiền tệ để đưa lạm phát hạ thấp vẫn là chính sách được triển khai nhiều. Dự báo trong quý I và quý III năm 2023, nhiều quốc gia đều mong muốn FED dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, cuối tháng 3 vừa qua FED vẫn giữ nguyên quan điểm của họ và tăng 0,5% lãi suất đồng đô la trên thị trường Mỹ. Điều này đã gây ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển và còn phụ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI.

Trong lúc đó, sau sự kiện 24/2/2022 chính thức xảy ra xung đột giữa Nga - Ukraine, giá năng lượng trên thế giới đã tăng đột biến. Sau đó, những nước sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch cũng đã chung tay đưa ra nhiều biện pháp để kìm hãm đà tăng giá này. Tuy nhiên, định giá trần xăng dầu có vẻ không thành công. Nguồn thu ngân sách của Liên bang Nga từ dầu, khí hóa lỏng vẫn cao. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nguyên liệu, hóa thạch của Mỹ và khu vực Bắc Âu là những đơn vị thu được lợi nhuận cao nhất.

Đầu tháng 3 vừa qua, giá năng lượng có xu hướng giảm nhưng đến những ngày đầu tháng 4 vừa qua, OPEC+ đã phản ứng quyết liệt và thống nhất giảm sản lượng khai thác. Giá dầu hiện tại vẫn có xu hướng tăng so với cuối năm 2022 nhưng nếu so với đầu năm 2022 thì đã có xu hướng giảm. Một trong những lý do là bởi mùa đông năm nay ở châu Âu không lạnh như những năm khác và mùa hè thì cũng tương đối nóng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trở lại nhưng đời sống người dân đa số các nước vẫn khó khăn, điển hình là phong trào phản đối giá cả và giá lương thực ở Anh, đình công ở Pháp và Đức... Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạt động kinh doanh của nhiều quốc gia.

Với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, năm vừa qua họ đã tiến hành mở cửa thành công. Thêm vào đó, với dàn lãnh đạo mới, Trung Quốc cũng đang có những bước đi mới trong việc điều hành kinh tế và tái khởi động thành công trên tất cả các lĩnh vực.

Thời gian tới, dự báo xung đột chiến sự giữa Nga - Ukraine vẫn sẽ còn tiếp tục khi 2 bên đang thực hiện những chính sách “vờn” nhau.

Tình hình tháng 3 còn ghi nhận một số ngân hàng tương đối lớn của Mỹ đã phải đóng cửa, trong đó có cả những ngân hàng rất nổi tiếng có nhiều hoạt động thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam vay, bảo trợ. Đây là dấu hiệu mà nhiều người nói là chớm lại cuộc khủng hoảng tháng 9/2008, vậy nhưng phản ứng của Chính phủ đã có kinh nghiệm hơn trước những diễn biến khó lường. Như thế chúng ta có thể dự báo việc xuất khẩu 2023 của Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn.

Về đầu tư FDI, dự báo trên thế giới xuống rất thấp, từ 251 tỷ đô la xuống còn 85 tỷ đô la . Đó là sự khó khăn với kinh tế thế giới và cả Việt Nam.

Với Việt Nam, GDP quý I chỉ tăng 3,5%, thấp thứ hai trong vòng 10 năm trở lại đây (năm 2022, tăng 3,2%). Nền trăng trưởng từ quý II - IV/2022 là tương đối cao. Như vậy, để đạt được bình quân 6,5% thì 3 quý còn lại đòi hỏi tăng lớn nhưng nguồn lực, động lực tăng ở đâu, thị trường thế giới ở đâu hấp thụ?

Riêng kinh tế Việt Nam trong quý I, tăng trưởng xây dựng tăng 1,9%, dự báo cả năm tăng 5%. Dịch vụ quý I tăng 6,7%, dự báo cả năm tăng 9,5 - 10%. Về CPI, lạm phát, nhiều tổ chức có niềm tin giữ lạm phát ở mức chấp nhận được 4 - 4,5% năm 2023.

Chúng ta cần chú ý, sụt giảm về xuất nhập khẩu trong quý I là 2 con số, đây là sụt giảm tiềm ẩn khó khăn. Việc thu hút vốn FDI quý I giảm. Về chủ quan, chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế chậm đi vào cuộc sống, tín dụng tăng thấp.

Mặc dù quý I có Tết Nguyên đán nhưng nhìn vào khối lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thì tiềm ẩn khó khăn của các doanh nghiệp là rất lớn.

Tín dụng tăng trưởng thấp, nền kinh tế không hấp thụ được, ngân hàng tuy không hạn chế room tín dụng nhưng tiêu chuẩn để cho vay cao, nên hạ chuẩn. Tuy nhiên, đây là việc thảo luận, hiệp thương giữa các doanh nghiệp với nhau.

Với kinh tế Việt Nam, nhiều địa phương tăng trưởng âm. Bắc Ninh -11,85%, Quảng Nam với động lực Thaco -10,88%, Bà Rịa – Vũng Tàu -4,75%, Vĩnh Phúc -2,47%. Lĩnh vực bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn.

Bức tranh quý I không hẳn sáng nhưng không hẳn là không thấy ánh sáng ở phía cuối. Tổng đầu tư quý I là 3,6%, trong đó vốn tư nhân và FDI tương đương cùng kỳ.

Vốn Ngân sách Nhà nước tăng. Về tài chính, tiền tệ, tỷ giá USD/VND đang có xu hướng giảm.

Lãnh đạo ĐẤT VÀNG GROUP (thứ 2, từ trái qua phải) đứng cùng TS. Nguyễn Đức Kiên và các thành viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước 3 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành. Trong báo cáo quý I của Ngân hàng Phát triển Châu Á đó là đột biến, đáng lưu tâm. Đây là xu hướng đi trước, lường trước được và đi trước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tăng trưởng tín dụng thấp 2,06%, tăng trưởng huy động 0,77%.

Tổng phương tiện thanh toán 0,57%. Trái phiếu doanh nghiệp 28.500 tỷ đồng, trong đó 85% là doanh nghiệp bất động sản.

Như vậy, một số doanh nghiệp phát hành thành công trong mấy tháng đầu năm, để thấy rằng Nghị định 08, Nghị quyết 01 Chính phủ mặc dù mới đi vào đã có tác động tương đối tích cực, củng cố được niềm tin, xây dựng được niềm tin với điều hành của Chính phủ. Kinh tế năm 2023 có những điểm sáng, điểm tối nhưng điểm sáng là nội lực của chúng ta.

“Ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực là quyết định”. Nếu xử lý tốt về thể chế, mối quan hệ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thì nội lực sẽ được phát huy. Tôi xin nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ “không ai nắm tay đến sáng, gối tay đến tối”, nên lời khuyên của một người làm kinh tế vĩ mô như tôi là “cùng tồn tại”, cần chia sẻ lợi nhuận với xã hội, với chính khách hàng.

Với thanh khoản của khối trái phiếu còn lại, sẽ còn gặp khó khăn trong đàm phán với trái chủ, có nâng lãi suất hay không, đổi bằng vật chất hay không… Mặc dù chúng tôi đã tạo hành lang nhưng mọi việc còn phụ thuộc vào đàm phán của chính doanh nghiệp và trái chủ.

Hy vọng, góc nhìn của người làm điều hành kinh tế vĩ mô sẽ giúp được các doanh nghiệp trong quá trình điều hành kinh tế của mình".

 

0911 29 69 79

CHAT VỚI CHÚNG TÔI